Thứ năm, 24/11/2016, 20:50 GMT+7

Góc nhìn hóa lý để pha trà ngon của Giáo sư người Pháp

Tùy vào loại nước dùng pha trà mà hương vị trà sẽ có sự khác biệt nhất định.

Ứng dụng những phát triển trong phân tích hóa lý, giáo sư Philippe Behra đến từ Viện Bách khoa Quốc gia Toulouse của Pháp đã minh họa trực tiếp sự khác biệt này tại Hội thảo Tiến bộ trong phương pháp phân tích diễn ra tại Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM sáng ngày 24/11.

Trà là loại thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới với khoảng 54% người ở khắp châu Á và châu Âu uống trà thường xuyên. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu trà, nhưng hiện tại cũng gặp phải sự cạnh tranh của những thương hiệu trà quốc tế khác.

Để xây dựng được một thương hiệu trà sạch, thơm ngon có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh trà cần nắm bắt được những tác động của các yếu tố “ngoại” và “nội” ảnh hưởng đến hương vị trà, trong đó có nguồn nước dùng để pha trà.

Là một chuyên gia có rất nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về tính chất của nước, giáo sư Philippe Bahra đã trình bày về những ảnh hưởng của nước lên hương vị trà bằng phương pháp phân tích lý hóa. Không chỉ bằng lý thuyết mà giáo sư trực tiếp thực hành kiểm nghiệm pha trà tại chỗ.


 Giáo sư Philippe Bahra thuyết trình tại hội thảo




Đồ nghề pha trà


So sánh các loại trà pha với những nguồn nước khác nhau

Theo giáo sư Philippe, nước tự nhiên không qua xử lý hóa chất. Ngoại trừ dùng phương pháp vật lý để tách sắt, mangan, nước đóng chai đã qua xử lý hóa chất hoặc nước mưa, nước giếng có chứa các thành phần hóa học khác nhau (hàm lượng khoáng, a-xít, tạp chất hoặc độ pH). Sau khi được đun nóng bằng nhiệt, các thành phần hóa học của nước tiếp tục bị thay đổi.

Khi mang đi pha với trà, sẽ có những phản ứng hóa học xảy ra do trong lá trà cũng có chứa các thành phần hóa học, chưa kể có thể có cả thuốc trừ sâu còn sót lại do quá trình canh tác. Tất cả những loại hóa chất này sẽ ảnh hưởng lên mùi vị trà. Bên cạnh đó, việc thưởng thức trà còn bị chi phối bởi yếu tố chủ quan của người uống (tính cảm quan), vì những người khác nhau sẽ có khẩu vị và khứu giác khác nhau.

Giáo sư Philippe kết luận, nắm bắt được những yếu tố này, người uống trà sẽ biết được đâu là điều kiện thích hợp nhất về loại nước sử dụng, nhiệt độ và thời gian pha trà để pha cho mình một tách trà hợp khẩu vị.

Ngoài nghiên cứu của giáo sư Philippe, hội thảo còn giới thiệu nhiều nghiên cứu mang tính thực tiễn khác của các chuyên gia đến từ Pháp và Việt Nam nhằm cập nhật những phương pháp phân tích mới trên thế giới, cũng như trao đổi về thực tiễn nghiên cứu khoa học giữa CASE và các viện của Pháp.


 Các chuyên gia trò chuyện với đại diện của CASE tại hội thảo


Toàn cảnh Hội thảo Tiến bộ trong phương pháp phân tích

Hội thảo Tiến bộ trong phương pháp phân tích thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Viện Bách Khoa Quốc gia Toulouse, Viện Khoa học Phân tích Lyon và CASE về Trao đổi hợp tác quốc tế và Hợp tác đào tạo.

Hoàng Nguyên (http://khampha.vn/)

CASE CẦN THƠ
Copyright © 2010-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 2249129 | Online : 1